HƯỚNG DẪN LẮP ĐẶT MÀN HÌNH LED TỪ A – Z

HƯỚNG DẪN LẮP ĐẶT MÀN HÌNH LED TỪ A – Z

Màn hình LED đang là xu hướng quảng cáo và trình chiếu hiện đại trong thời gian tới. Bài viết này hướng dẫn lắp đặt màn hình LED cố định chi tiết từng bước một, giúp bạn có thể tự mình thi công màn hình đẹp và tối ưu chi phí. Nếu bạn chưa bao giờ lắp đặt màn hình led. Bạn vẫn có thể tham khảo bài viết chi tiết này để lắp đặt 1 màn hình led dễ hàng.

1. Cấu Tạo Của Màn Hình LED

Một màn hình LED cố định đầy đủ các thành phần sẽ bao gồm:

  • Module LED (phụ kiện đi kèm ốc nam châm, dây nguồn, dây cáp dẹt ngắn)
  • Nguồn LED 5VDC (40A hoặc 60A)
  • Card điều khiển: Card thu & Card phát
  • Bộ xử lý hình ảnh. (Mình dùng của Hãng Novastar)
  • Khung màn hình bằng thép hộp 20*40*1.2mm xương dọc, hộp 40*40*1.4 xương ngang.
  • Dây điện nguồn nối giữa nguồn vs nguồn và nguồn với aptomat, dây mạng ngắn giữa card nhận, dây mạng dài nối tới đầu xử lý, dây cáp tín hiệu dài, aptomat, tủ kĩ thuật.
  • Vật tư trang trí: Nẹp viền, ALU

Có thể sử dụng cabin LED để phục vụ việc lắp đặt màn hình LED. Việc này giúp đơn giản hóa thi công, dễ dàng di chuyển sau này. Tuy nhiên, chi phí sử dụng cabin sẽ cao hơn việc sử dụng khung thép. Do đó, bài viết này chỉ hướng dẫn lắp đặt màn hình LED sử dụng khung thép hộp mà thôi.

2. Cách Tính Toán Và Chuẩn Bị Vật Tư Cần Thiết Để Lắp Đặt

Màn hình LED rất linh hoạt về kích thước. Tuy nhiên, để đạt được tỷ lệ hình ảnh đẹp thì các bạn hãy cân nhắc lựa chọn hệ số chiều rộng/chiều cao là 16/9 hoặc gần sát nhất với tỷ lệ 16/9.

Tất nhiên, việc lựa chọn kích thước ra sao còn phụ thuộc nhiều vào không gian lắp đặt thực tế. Chúng ta có thể tùy biến cho phù hợp.

Kích thước của mỗi module khác nhau. Thường thì sẽ như sau:

Loại Quét Dọc Ngang Tổng
P10 4S24 160 320 160*320
P8 5S30 160 320 160*320
P6 8S24 192 192 192*192
P5 8S48 160 320 160*320
P4 10S60 160 320 160*320
P3 16S48 192 192 192*192
P2.5 16S96 160 320 160*320

Bây giờ, hãy cùng tính xem số lượng các vật tư cần sử dụng để hoàn thiện màn hình này:

  • Module LED cố định trong nhà

Với kích thước các loại modules LED tương ứng trong bảng. Người sử dụng có thể tính toán ra chiều rộng và chiều cao của màn hình. Từ đó tính ra số lượng modules cần phải sử dụng cho màn hình.

Trong quá trình thi công lắp đặt và vận hành, một số module có thể bị hỏng do va đập hoặc lỗi nhà sản xuất. Chúng ta nên mua thêm một số lượng module để dự phòng và sử dụng thay thế về sau.

Những module LED khác thời gian sản xuất, khác lô sản xuất cho dù của cùng một nhà máy vẫn sẽ gây ra hiện tượng khác màu khi sử dụng chung. Do đó, việc mua module dự phòng là điều rất cần thiết ngay tại thời điểm ban đầu.

Mỗi module mới được đóng gói kèm thêm 1 dây nguồn, 1 dây cáp dẹt 16 sợi  (dài từ 20cm-40cm) cùng với 4 con ốc nam châm. Chúng ta lắp các con ốc nam châm này vào modules. Mục đích để gắn modules lên khung hộp bằng nam châm.

Trên mỗi modules sẽ có quy ước lắp đặt. Thông thường chúng ta sẽ nhìn theo chiều mũi tên để xác định chiều lắp đặt modules.

Hình ảnh mặt sau của một loại modules led

Nhìn vào mặt sau 1 modules, chúng ta có thể thấy chi tiết các thông số của modules. Khi lắp đặt, phần mũi tên hướng lên trên là chiều của modules cần phải lắp.

Chân cắm nguồn được kết nối với dây nguồn (2 màu đen đỏ). Chân cắm tín hiệu được kết nối với dây tín hiệu 16P. Nam châm sẽ được vặn vào 4 lỗ vặn nam trâm tại 4 góc của modules.

  • Nguồn LED 5VDC

Nguồn LED được chia thành nhiều loại theo các công suất khác nhau. Nguồn được sử dụng phổ biến trong lắp đặt màn hình là loại nguồn mỏng có công suất 200W, 300W hoặc 350W.

Để tăng tuổi thọ cho nguồn, chúng ta nên lựa chọn nguồn có công suất lớn hơn tối thiểu 30% công suất của tải.

Công xuất trung bình của 1 modules thường rơi vào từ 6W -15W/modules đối với loại trong nhà. Từ 15 – 25W/modules đối với hàng ngoài trời.

Công suất tiêu thụ trung bình khi màn hình hoạt động trong trạng thái trình chiếu bình thường, độ sáng vừa phải.
Công suất tiêu thụ tối đa khi màn hình LED hiển thị nền toàn màu trắng và độ sáng 100%.

Bảng tính dưới đây thể hiện cách tính toán số lượng module trên mỗi loại nguồn LED 5VDC phổ biến

Nguồn 5V 40A (200W) Nguồn 5V 60A (300W) Nguồn 5V 70A (350W)
Công suất tải tối đa khuyến nghị sử dụng 153W 230W 270W
Công suất tối đa của 1 module 18W 18W 18W
Số lượng module trên một nguồn (làm tròn) 8 12 15

Bạn có thể tự do lựa chọn một trong số các nguồn LED kể trên. Tuy nhiên, hãy lưu ý tới vấn đề khi chúng ta sắp xếp nguồn vào trong màn LED sao cho dễ dàng đi dây, hạn chế phải nối thêm dây nguồn.

Khác với module LED, chúng ta không giới hạn về lô hàng như với Modules. Nguồn khác lô, khác thời gian đều có thể sử dụng chung.

Cách cắm nguồn vào modules
Minh họa nối dây nguồn đầu ra vs nguồn
Chi tiết nối dây nguồn đầu ra vs nguồn
Chi tiết nối nguồn đầu vào vs nguồn

Nên ưu tiên sử dụng nguồn 5V40A. Lý do là dây nguồn đi kèm module đủ dài để nối tới 8 module mà không cần nối thêm dây. Bên cạnh đó là kích thước nguồn nhỏ gọn, không có quạt gió cũng khiến cho hệ thống chạy đỡ tiếng ồn hơn.

Sơ đồ minh họa kết nối nguồn trong 1 màn hình:

Minh họa nối nguồn với nguồn điện tổng

Minh họa bằng hình ảnh thực tế như sau:

Nguồn sử dụng trong ảnh là 5V40A. Phân tán nguồn đều trên màn hình led nhằm tránh việc nối thêm dây với các modules ở xa.
  • Card Điều Khiển Màn Hình

a, Card nhận:

Card điều khiển LED có nhiều hãng tại thị trường Việt Nam như: Linsn, Novastar, Kystar, Listen… Mỗi loại card có phạm vi quản lý điểm ảnh khác nhau.

Chúng ta cần mua card thu và card phát cùng hãng sản xuất với nhau. So sánh về chất lượng hình ảnh, thì tôi thường ưu tiên sử dụng card Novastar.

Nên mua tất cả card thu cùng version để tối ưu việc cấu hình màn hình LED. Trong trường hợp các card thu khác version thì cần update firmware đồng nhất.

Hình ảnh thực tế card thu Nova DH7512 có 12 cổng HUB

Mỗi một loại card thu sẽ phù hợp với 1 loại màn hình khác nhau. Thông thường, card thu càng nhiều cổng HUB thì sẽ càng phù hợp với những loại Modules pixel nhỏ. Việc lựa chọn loại card nào, khi khách hàng thực hiện mua hàng sẽ được sự tư vấn từ người bán.

Nguyên tắc đấu nối modules và card nhận

Trên mỗi cổng HUB sẽ có đánh số thứ tự từ 01 đến cuối cùng. Người lắp đặt căn cứ vào tên cổng HUB để cắm dây tín hiệu lần lượt. Tránh cắm sai số thứ tự sẽ không để đưa hình ảnh đúng ra màn hình.

Card nhận sử dụng nguồn đầu vào 5V cùng với modules. Khi kết nối chung ta có thể lấy nguồn điện từ nguồn 5VDC có sẵn để kết nối vào card nhận.

Minh họa thi công card nhận

b, Card phát:

Để lựa chọn số lượng card phát, chúng ta dựa vào độ phân giải của màn hình LED thực tế. Sau đó so sánh với độ phân giải tối đa có thể hỗ trợ của card phát sẽ sử dụng.

Các dòng card phát thông dụng như: Nova MSD300, Linsn TS802D… hỗ trợ tối đa 1,3 triệu điểm ảnh (mỗi cổng mạng trên card quản lý 650.000 điểm ảnh). Với nhiều độ phân giải khác nhau, lớn nhất lên đến 2048*640px

Hãy cân nhắc việc sử dụng bộ xử lý có tích hợp sẵn card phát để tiết kiệm chi phí hơn.

  • Bộ Xử Lý

Cách lựa chọn bộ xử lý hình ảnh cũng tương tự như việc lựa chọn card phát là dựa trên độ phân giải của màn hình LED và chọn bộ xử lý hỗ trợ được độ phân giải đó. Bộ xử lý có công dụng khác với card phát ở điểm, bộ xử lý có thể co hoặc giãn video tức thì. Scale hình ảnh để vừa với khung hình đã cài đặt.

Ngoài ra, khi lựa chọn bộ xử lý cũng cần lưu ý đến số lượng các ngõ vào. Ngõ vào đa dạng giúp bạn kết nối nhiều thiết bị ngoại vi hơn cùng một lúc (HDMI, DVI, VGA, SDI, CVBS…)

Tham khảo các sản phẩm bộ xử lý 2 trong 1 tích hợp sẵn card phát giúp đơn giản hóa việc cài đặt và tiết kiệm chi phí hơn.
#1: Bộ xử lý hình ảnh Nova V760
#2: Bộ xử lý hình ảnh Nova V960

  • Thép Hộp

Thép hộp để hàn khung màn hình và là nơi để chúng ta gắn module LED lên. Thép hộp giúp ốc nam châm có thể hút chặt vào nó.

Hộp thép có kích thước 40*20mm thường được sử dụng để làm xương để gắn module. Khung màn hình LED được hàn chuẩn, không cong vênh, không lệch là yếu tố quan trọng giúp màn hình LED đẹp, bề mặt phẳng phiu, mịn màng.

Lưu ý: khi hàn khung thép, cần đo đạc chính xác với kích thước modules, chính xác về độ vuông, độ phẳng. Nếu không chính xác, sẽ rất khó lắp đặt modules lên một cách như ý

Minh họa lắp đặt màn hình led P3 trong nhà

Dựa vào kích thước lắp đặt và kích thước modules, từ đó tính ra số lượng thép hộp cần chuẩn bị. Người lắp có thể gia cố thêm khung bao viên để gắn alumec hoặc có thể sơn đen viền khung thép tạo tính thẩm mĩ.

  • Phụ Kiện

#1. Dây mạng, hạt mạng

Card phát và card thu truyền tín hiệu thông qua cả 8 sợi dây của cáp mạng. Do đó, hãy lựa chọn dây cáp chất lượng tốt, lõi đồng. Hãy sử dụng dây CAT5E hoặc CAT6 của các thương hiệu nổi tiếng.

Chúng ta cần số lượng các dây mạng ngắn để nối giữa các card thu bên trong màn LED và dây mạng dài nối từ màn hình tới vị trí đặt bộ xử lý hình ảnh.

Hướng dẫn chi tiết bấm dây mạng quý khách có thể tham khảo tại trang web này. 

Dây cáp mạng CAT5E của Vinacap hoặc Comscope là những sự lựa chọn tốt.

Hạt mạng được bấm theo chuẩn T568B (chuẩn B)

Thứ tự dây mạng theo chuẩn B:  Trắng cam – Cam – Trắng xanh lá – Xanh dương – Trắng xanh dương – Xanh lá – Trắng nâu – Nâu

#2. Dây cáp dẹt, đầu bấm, kìm bấm

Cáp dẹt đi kèm cùng module thường có độ dài rất ngắn (20-40cm), không thể nối từ card tới module ở vị trí xa. Do đó, chúng ta cần mua thêm dây cáp dẹt và đầu bấm để bấm thêm số lượng dây có độ dài 60cm và 80cm là hợp lý.

Kìm bấm chuyên dụng để bấm cáp 16P
Chú ý tới màu đỏ của sợi cáp và chiều của đầu cáp để quy ước cách thức bấm đầu cáp
Đầu bấm cáp và tay giữ cáp là 1 bộ hoàn chỉnh
Một sản phẩm hoàn thành

Bạn cũng có thể mua từ bên nhà cung cấp LED những dây bấm sẵn với chiều dài mong muốn. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí và tăng tính chủ động hơn, tôi khuyến khích nên tự bấm.

#3. Dây nguồn 220VAC, Aptomat

Tính toán công suất toàn màn hình. Từ đó lựa chọn Aptomat và tiết diện dây phù hợp. Quý khách có thể tra bảng công xuất dây để lựa chọn tiết diện dây.

Khuyến nghị nên thực hiện biện pháp nối đất cho màn hình LED nếu có thể.

3. Hướng Dẫn Lắp Đặt Màn Hình LED P3 Chi Tiết

#1. Hoàn Thiện Khung Màn Hình LED

Khung màn hình sử dụng sắt hộp 40*20mm cho các thanh đứng để gắn các module LED. Bạn có thể hàn dạng hộp hoặc sử dụng các thanh thép hộp có kích thước lớn hơn như 60*30mm hoặc 80*40mm để làm khung chịu lực.

Có nhiều cách để làm khung, nhưng điều quan trọng nhất là khoảng cách giữa các thanh đứng phải có độ chính xác cao. Yêu cầu khung thẳng đứng, tạo được mặt phẳng tốt. Có thể sử dụng dây ni vô để đo phương nằm ngang. Đảm bảo khung màn hình thẳng đứng và tạo 1 góc đúng 90 độ so với phương thẳng đứng.

Khung màn hình được hàn xong được lắp đặt cố định chắc chắn vào đúng vị trí mong muốn.

#2. Bấm Dây Cáp Tín Hiệu, Dây Mạng, Vặn Ốc Nam Châm Vào Module LED

Chuẩn bị số lượng đủ các dây cáp dẹt tín hiệu, dây mạng nối card thu, dây nguồn nối các nguồn LED

Hãy chuẩn bị trước cáp tín hiệu, cáp mạng sẵn để tiết kiệm thời gian thi công

Vặn hết ốc nam châm vào 4 góc của module LED để chuẩn bị cho bước gắn tấm vào khung.

Cắm sẵn các dây cáp tín hiệu vào các cổng của card thu

Đấu dây nguồn 5VDC vào sẵn nguồn 5VDC

#3. Gắn Nguồn, Card Vào Đúng Vị Trí

Định vị nguồn LED, card thu và cố định chúng vào đúng vị trí theo bản vẽ. Có thể sử dụng dây thít nhựa để buộc hoặc sử dụng keo hoặc bắn vít.

Nối dây nguồn để cấp điện áp 220V cho các nguồn LED.

Nối dây nguồn 5VDC từ nguồn tới card thu.

Sử dụng dây mạng ngắn nối các card với nhau.

Bước gắn nguồn, card vào đúng vị trí

#4. Đi Dây Nguồn Tổng Và Dây Mạng Tổng

Đi dây nguồn 220V cho hệ thống màn hình, đồng thời đi dây mạng tổng nối từ màn hình tới vị trí bộ xử lý hình ảnh. Lắp đặt aptomat phục vụ màn hình LED.

Với những đường dây nổi, để đảm bảo an toàn và tăng tính thẩm mỹ, hãy sử dụng ống gen.

#5. Kiểm Tra Thông Nguồn Và Thông Tín Hiệu Toàn Màn Hình

Hãy kiểm tra bằng mắt thường lại toàn bộ vị trí đấu nối giữa các nguồn LED với card. Đảm bảo mọi thứ an toàn trước khi đóng cầu dao điện.

Test thông nguồn toàn bộ nguồn LED, card điều khiển thông qua đèn báo trên các thiết bị

Kiểm tra thông tín hiệu giữa các card thu, giữa card thu và card phát. Đèn báo màu xanh lá cây nháy đều trên các card là dấu hiệu hệ thống đã hoạt động.

#6. Cấu Hình Cho Card Thu Và Cài Đặt Bộ Xử Lý

Cấu hình cho card thu: Thông qua phần mềm set up được cung cấp bởi hãng sản xuất card. Chúng ta gửi file cấu hình chuẩn và các tham số tới toàn bộ card thu. Sơ đồ đi dây cũng được gửi thông qua phần mềm này.

  • Với card hãng Linsn, sử dụng phần mềm LedSet
  • Với card hãng Nova sử dụng phần mềm NovaLCT

Hãy cài đặt các phiên bản mới nhất. Điều này giúp việc cấu hình trở nên tối ưu hơn
Tải phần mềm LED mới nhất nova tại đây.

Cài đặt bộ xử lý: Cài đặt các thông số về độ phân giải, kích thước màn hình, độ sáng tối của màn hình LED cho phù hợp.

#7. Ghép Module LED

Chúc mừng bạn đã đi được 2/3 chặng đường. Đây là bước thích thú nhất với chúng ta: Ghép module LED.

Gắn module LED lên khung theo 1 chiều nhất định (trái sang phải, phải sang trái, hoặc từ giữa ra)

Hãy căn chỉnh nam châm khi ghép tấm sao cho vị trí ghép thật khít và bằng phẳng.

Duy trì nguồn điện cấp cho màn hình để chúng ta có thể dễ dàng kiểm tra lỗi và khắc phục ngay lập tức. Tất nhiên, hãy cẩn thận với các đường điện 220V trong màn hình.

Lắp táp modules led vào khung

#8. Tinh Chỉnh Các Thông Số Màn Hình LED

Một lần nữa, bạn có thể sử dụng các phần mềm set up card và các tính năng trên bộ xử lý để điều chỉnh các tham số hình ảnh cho màn LED theo ý của mình.

Một số các tham số như tần số làm tươi, độ xám, tần số xung Clock… có thể làm thay đổi chất lượng hình ảnh.

Bộ xử lý cũng hỗ trợ tinh chỉnh độ sáng tối, độ tương phản, tỷ lệ màu…. một cách nhanh chóng và dễ dàng.

#9. Hoàn Thiện Viền Màn Hình LED

Là những công đoạn cuối cùng giúp trang trí màn hình.

Chúng ta có thể sử dụng ALU, tấm gỗ công nghiệp hoặc các vật liệu để ốp xung quanh màn LED. Bên cạnh đó, việc sử dụng những nẹp viền trang trí cũng là cách để làm màn hình trở nên nổi bật và sang trọng hơn.

#10. Chạy Test Màn Hình LED

Bạn có thể sử dụng hình nền màu Đỏ (Red), Xanh dương (Blue), Xanh lá cây (Green) để test màn hình có điểm chết hay không, màn hình có đồng màu hay không?

Hướng dẫn lắp đặt màn hình LED cho khách hàng

Test nền trắng toàn màn hình và để độ sáng 100% để kiểm tra độ chịu tải của hệ thống nguồn.

Để giúp việc trình chiếu trở nên chuyên nghiệp. Hãy sử dụng các phần mềm trình chiếu như Vmix (Window), Area Resolume hay PVP (Mac)

Như vậy, thông qua bài viết về chủ đề “Hướng dẫn lắp đặt màn hình LED từ A – Z” các bạn hoàn toàn có thể tự thi công một màn hình LED cho riêng mình một cách chuyên nghiệp.

Xem thêm một số đánh giá của các trang web khác về chúng tôi.

Chúc bạn thành công!